Cũng giống như chị Hà, nhiều người cảm thấy hoang mang vô cùng vì bệnh tình của người thân bị suy tim dường như ngày càng trở nặng ngay cả khi dùng thuốc và chú ý đến ăn uống. Thực tế, việc chăm sóc bệnh nhân suy tim ở mỗi giai đoạn đều có những lưu ý khác nhau nhưng không phải ai cũng có thể tìm hiểu một cách chi tiết và đầy đủ.
Ngoài thuốc thang và dinh dưỡng, bạn còn cần lưu tâm đến cả việc tập luyện thể chất, giảm stress cho tinh thần và nhất là phải biết cách giảm nhẹ triệu chứng khi bệnh trở nặng. Mặc dù là một chặng cuối nhọc nhằn của các bệnh tim mạch, song áp lực chăm sóc bệnh nhân suy tim cũng sẽ không còn quá nặng nề nếu bạn có thể áp dụng kết hợp 5 lời khuyên sau đây.
1. Lưu ý dùng thuốc khi chăm sóc bệnh nhân suy tim
Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim, bạn cần nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ và đều đặn mỗi ngày. Muốn làm được điều này, bạn nên hỏi bác sĩ điều trị cách sử dụng của các loại thuốc được kê đơn cho người thân.
Bạn hãy đọc kỹ đơn thuốc, hướng dẫn uống của từng loại thuốc ghi trên đơn để biết cách sử dụng thuốc. Bạn có thể lấy một mảnh giấy nhỏ, ghi các thông tin về thuốc như tác dụng, cách dùng… rồi dán vào vỏ của loại thuốc đó để chắc chắn mình không quên.
Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân suy tim, bạn nên lưu ý các điều sau đây khi sử dụng thuốc:
• Đừng để người thân uống rượu: Bởi vì rượu chính là nguyên nhân làm tăng tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.
• Kịp thời phát hiện người thân bị tác dụng phụ: Bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu người thân gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc điều trị như: đánh trống ngực, hồi hộp, khát nước nặng, đi tiểu nhiều, lú lẫn, nhìn mờ, ảo giác, thay đổi tâm trạng thất thường, rối loạn nhịp tim nặng…
2. Chăm sóc bệnh nhân suy tim với chế độ ăn uống và luyện tập
Chế độ ăn uống và luyện tập chính là điều kiện bạn cần phải duy trì thường xuyên khi chăm sóc bệnh nhân suy tim. Nếu thực hiện không đúng cách, điều này sẽ khiến cho tình trạng bệnh của người thân trở nên nghiêm trọng hơn.
Chế độ ăn uống khi chăm sóc bệnh nhân suy tim
Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim, bạn nên nấu những món dễ tiêu hóa, lựa chọn các thực phẩm sạch và rau củ quả tươi. Đặc biệt, bạn cần tránh để người thân ăn quá no, hạn chế dầu mỡ, chất béo cũng như thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn…
Ngoài ra, bạn cần chú ý nhắc người thân giảm uống nước và giảm muối (không quá 2g/ngày) để tránh bị phù. Đừng quên bổ sung cho bữa ăn của người thân các thực phẩm giàu kali như chuối, cam, cà chua, măng tây, sữa chua, đậu nành, cá, các loại rau lá xanh…
Chế độ tập luyện , chăm sóc bệnh nhân suy tim
Trong đợt kịch phát bệnh suy tim, hãy để người thân nghỉ ngơi tại giường và tránh thực hiện các hoạt động quá sức. Bạn có thể xoa bóp tay chân cho người thân để giảm nguy cơ tắc mạch do ứ trệ tuần hoàn.
Khi đã qua giai đoạn kịch phát nguy hiểm, bạn nên khích lệ người thân vận động nhẹ nhàng và thường xuyên để tránh ngồi ì một chỗ làm bệnh trở nặng thêm. Bạn có thể thu xếp thời gian để cùng đi bộ với người thân quanh nhà, vận động này sẽ giúp phát triển tuần hoàn bàng hệ và hệ thống mạch máu mới có tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim ở giai đoạn nặng hơn, bạn càng phải lưu ý kỹ những biến chứng suy tim và cách giảm nhẹ các ảnh hưởng tiêu cực.
Để người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi thoải mái.
Bố trí phòng nghỉ ngơi thông thoáng khí.
Theo dõi màu nước tiểu và cho người bệnh uống một lượng nước vừa phải khi nhận thấy nước tiểu có màu vàng sẫm. Khi bị phù nhiều, lượng nước uống vào sẽ bằng lượng nước tiểu thải ra và thêm 300ml.
Cách nhận biết dấu hiệu suy tim trở nặng để cấp cứu kịp thời
Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim, bạn nên nhớ kỹ các dấu hiệu suy tim trở nặng để có thể nhận biết sớm và kịp thời điều trị.
Sau đây là những dấu hiệu có thể nguy hiểm đến tính mạng của người thân mà bạn cần đưa đi cấp cứu khi các triệu chứng kéo dài trên 15 phút:
• Cơn hen tim: Người bệnh thường gặp tình trạng khó thở kịch phát này về đêm, với các dấu hiệu như thở nông, thở nhanh, khó thở, đau ngực, tăng huyết áp và tăng nhịp tim.
• Phù phổi cấp do tim: Người bệnh cảm thấy khó thở, phải ngồi dậy mới thở được, thở rất khó khăn kèm vã mồ hôi, chân tay lạnh ngắt, nhịp tim nhanh, vẻ mặt lo lắng và hoảng hốt.
• Nhồi máu cơ tim: Người bệnh có cảm giác đau như trái tim bị bóp chặt đè nặng, kèm theo khó thở. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau ở cổ, vai, hàm và cánh tay; hụt hơi, chóng mặt, khó tiêu, vã mồ hôi (đặc biệt là vùng đầu), hồi hộp, hoảng sợ…
4. Cách giảm stress khi chăm sóc bệnh nhân suy tim
Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim, nếu như bạn lo lắng 1 phần thì người thân bị ám ảnh đến 10 phần bởi câu hỏi: “Bệnh suy tim có nguy hiểm không?“. Những suy nghĩ tiêu cực về cái chết cũng như viễn cảnh nằm liệt giường lúc cuối đời có thể khiến tâm lý của người thân ngày càng bị suy sụp dẫn đến tình trạng stress làm bệnh càng trở nặng.
Nhằm giúp người thân vượt qua nỗi sợ hãi và suy nghĩ lạc quan hơn, bạn có thể thử các cách sau:
• Trò chuyện vui vẻ và hỏi thăm thường xuyên: Người bệnh sẽ rất dễ rơi vào cảm giác cô đơn và suy nghĩ tiêu cực mỗi khi ở một mình. Vì vậy, bạn nên trò chuyện và hỏi thăm thường xuyên. Hãy chọn những chủ đề vui vẻ và tránh làm người thân phiền muộn nhé.
• Tạo điều kiện cho người thân làm điều mình thích: Bạn nên tìm hiểu sở thích của người thân như nghe nhạc, đọc sách, cắm hoa, chơi cờ, trồng cây… Sau đó, bạn có thể thu xếp mua các dụng cụ, quà tặng hay thậm chí là đăng ký cho người thân tham gia một câu lạc bộ cùng sở thích.
• Khuyến khích người thân vận động nhẹ nhàng: Tùy theo thể trạng của người thân và lời khuyên của bác sĩ, bạn có thể khuyến khích đi bộ, tập thiền… vừa giúp duy trì vận động thể chất lại thư giãn cho tinh thần.
• Quan tâm đến giấc ngủ của người thân: Một giấc ngủ sâu chính là liệu pháp giảm stress tự nhiên song lại rất khó khăn đối với người bệnh suy tim. Bạn nên chuẩn bị phòng ngủ thông thoáng, nhắc người thân ngủ đúng giờ và tránh ăn quá no trước khi ngủ.